Trong những ngày mưa rả rích của tháng 9/1991, ở Quảng Ngãi có một chàng trai nhỏ chào đời và được đặt tên là Trần Văn Đạt.
Có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất của Mẹ, ngày được bế đứa con của mình trên tay sau những tháng ngày vất vả và là ngày vui nhất của Ba, ngày Ba được ôm thằng con nhỏ vào lòng, sau bao ngày trông mong.
Quê tôi những năm 1991 cái đói, cái nghèo vẫn ôm lấy từng thôn xóm, những bữa cơm độn khá nhiều ngô khoai và tối về cả thôn làng hiu hắt bên ánh đèn mù u.
Tôi lớn lên gắn liền với cái nghèo – nơi mà mọi người, mọi nhà quanh năm gắn với những đám ruộng, vườn rau. Cái nghèo in hằn lên những vết chai sạm của bàn tay Mẹ, trên đôi vai Ba. Cái nghèo thành hơi thở, thành tiềm thức của người dân nơi này.
Ngày tôi vào mẫu giáo cũng là lúc tôi bắt đầu biết chuyện và ký ức trong tôi cũng bắt đầu bằng những buổi đến trường Bình Dân.
Đó là một ngôi trường nhỏ, xây dựng bằng gạch và lợp ngói nằm giữa xóm tôi, cô Kiều là người dạy chúng tôi, là cô giáo đầu tiên trong cuộc đời mình.
Nhắc đến những năm tháng này tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm để đời của mình. Khi đó tôi rất mê chơi dây thun (dây su) thấy bạn bè trong lớp chơi mà tôi rất “thèm”, với suy nghĩ của một đứa trẻ bốn tuổi thì có tiền là sẽ mua được nên tôi đã làm một việc mà bất cứ đứa trẻ nào cũng không được làm – ăn trộm tiền của Ba Mẹ để mua dây thun chơi.
Thường lệ buổi sáng chị gái sẽ dẫn tôi vào đến tận lớp, nhưng buổi sáng hôm ấy chị dẫn được nửa đường thì tôi không cho chị dẫn nữa mà đòi đi một mình đến lớp. Trong suy nghĩ khi đó chỉ cần chị về là tôi có thể đi vào tạp hóa để mua dây thun và tôi cũng làm được điều đó. Những sợi dây thun vàng óng nằm trên tay và niềm vui khôn tả của thằng bé – nhưng niềm vui ấy nhanh chóng thay bằng nỗi sợ hãi.
Vì tôi đưa tờ tiền 20.000 đồng, giá trị tờ tiền quá lớn so với tuổi tôi khi đó nên người bán tạp hóa mang lên nhà tôi để đưa lại cho Ba tôi. Và tôi được một bữa no đòn, tôi cũng làm cho chị gái ăn đòn cùng mình. Đó là trận đòn đầu đời của tôi, cũng là lần đầu và lần duy nhất tôi “ ăn trộm”.
Những năm tháng mẫu giáo qua đi, tôi vào lớp một.
Một khoảng trời bao la rộng mở trước tầm mắt của thằng con trai sáu tuổi. Ngôi trường Điện An thật lớn, những người bạn lớp 1A mới, cô Thơ chủ nhiệm mới… Mọi thứ đều rất mới đối với tôi.
Điều may mắn nhất đối với tôi là lớp 1A như một gia đình, ở đây tôi có nhiều người bạn thân, những buổi chạy lên nhà cô Thơ để kéo cô đến lớp cùng chúng tôi, con đường dọc bờ mương nước, cánh đồng trước cổng trường đã ghi lại những dấu chân, những tiếng cười của chúng tôi suốt những năm dài cấp một.
Cấp một là lúc tôi học tốt nhất, trong vở chỉ toàn điểm chín, mười và lúc nào cũng được cô khen và điều đặc biệt là tôi làm lớp trưởng từ năm lớp ba đến lớp năm.
Nếu bạn hỏi tôi ấn tượng nhất điều gì ở khoảng thời gian này thì chắc chắn đó là những buổi lội bộ trên con đường đất đỏ đầy bùn lầy khi trời mưa xuống, là những hôm khoác chiếc áo mưa bằng nilon do Mẹ cắt ra từ bao phân để đi đến trường. Lúc đó tôi nhận ra nhà mình nghèo – nghèo hơn những bạn trong lớp.
Năm tháng trôi qua tôi cũng hoàn thành xong năm năm tiểu học, trường cấp hai Nghĩa Thương chào đón tôi.
Tôi vào lớp chọn của khối, ở đây có rất nhiều những gương mặt lạ lẫm, mọi thứ mới mẻ hơn, các bạn học giỏi hơn và chương trình học cũng khá khác so với cấp một.
Cấp hai tôi bắt đầu biết phụ giúp gia đình nhiều hơn, ngoài giờ đến lớp thì tôi đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Có những đêm cùng Ba ra đồng tát nước đến tận chín mười giờ đêm, có khi thì hai ba giờ sáng mò dậy đi ra đồng tát nước. Bốn năm cấp hai tôi gắn với ruộng lúa, với cái gàu, với cây cuốc bằng thời gian tôi gắn với cuốn sách, cuốn tập.
Nhưng điều tuyệt vời là tôi vẫn duy trì được thành tích học tập ở lớp, tôi luôn nằm trong đội thi học sinh giỏi của trường nhưng số tôi thi cử lận đận nên chưa có được cái giải nào… để đền đáp lại những kỳ vọng của gia đình và những người thầy bồi dưỡng mình.
Cấp hai cũng là lúc tôi bắt đầu biết yêu, những lá thư tay gửi đi cho cô gái lớp bên cạnh, những lần đi vội qua nhau hay cái nhìn ngượng ngùng của tuổi mới lớn.
Cũng lúc này tôi có một giai thoại mà giờ lâu lâu Ba Mẹ, chị gái hay nhắc lại. Chuyện là thế này:
Không biết sao cô gái lại để những lá thư tôi viết lọt vào tay phụ huynh, phụ huynh đọc xong thì mang dán ngay vào cái cửa mà bất cứ ai vào cũng có thể đọc được, lúc đó tôi cũng được ăn một trận cán chổi… Ôi! Tình yêu là những niềm đau.
Mọi chuyện cũng qua đi, tôi ôn thi vào lớp 10.
Trường Tư Nghĩa I là mục tiêu của tôi, và tôi đã chinh phục được mục tiêu này. Tôi đâu biết rằng thêm một thử thách thật nặng nề đang chờ tôi phía trước.
Ngay tuần đầu tiên học quân sự tôi bị đuổi học với lý do ngồi lên bờ tường của sân vận động- nơi tôi học quân sự. Thật sự khi đó tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, lần đầu tiên tôi vấp ngã ở học đường như thế, điều an ủi là khi đó cả lớp hơn mười bạn trong lớp cũng bị phạt như tôi.
Một cú sốc thật sự lớn, năm lớp 10 trôi qua thật nặng nề với cái môn Quân sự nhưng tôi cũng vượt qua được với thành tích học tập cũng rất ổn.
Cũng năm này tôi kết thúc công việc đi chợ nấu ăn của mình để tập trung đi học ngoài giờ nhiều hơn, những năm tháng đi chợ giúp cho tôi khá nhiều, luyện cho tôi những ngày tháng vào bếp, luyện cho tôi cách “trả giá, chốt sale”.
Cấp ba cũng là giai đoạn tôi đọc sách rất nhiều, những buổi chiều ra thư viện, những đêm nằm ôm sách đọc vô tình mang lại cho tôi khá nhiều điều bổ ích về sau.
Thời gian như thoi đưa, cả lớp chúng tôi nhốn nháo chuẩn bị vào Đại học. Có lẽ tôi là người thích đi ngược lại đám đông, cái ngành mà tôi chọn trong cả trường Tư Nghĩa I không có một ai chọn, đó là ngành Quản Lí Môi Trường Và Du Lịch Sinh Thái. Nói thật tôi chọn chỉ vì cái tên nó dài, nó khác với những ngành còn lại và tôi đã đậu ngành này và bắt đầu vào Sài Gòn nhập học.
Tháng 9/2010, tôi đặt chân vào Sài Gòn.
Sài Gòn, một chân trời mới rộng mở trong tâm thức của chàng trai mười tám tuổi.
Tôi bước vào quãng đời sinh viên, tôi được tự do làm những gì mình thích mà không có Ba Mẹ bên cạnh, tôi lâng lâng với cái cảm xúc của “con chim được thả tự do”, tôi mãi miết chơi bời để rồi học kỳ một tôi bị nợ môn. Quả thật, với những điều mới mẻ, những cám dỗ nơi phồn hoa đã làm tôi trật nhịp trong hành trình của mình, không còn siêng học, không còn đọc sách mà thay vào đó là những buổi đi chơi, những cuộc nhậu với bạn bè, những giấc ngủ tới 12h trưa. Mọi thứ đã khác những năm cấp ba, nhưng kết quả học tập may sao vẫn vậy, tôi vẫn trả đủ môn, vẫn được xếp loại khá và thêm một học kỳ được nhận học bổng của Khoa Môi Trường.
Có lẽ cuộc đời của tôi sẽ mãi như thế nếu như không có một buổi phỏng vấn, tôi xem đó là buổi phỏng vấn quan trọng nhất cuộc đời mình, cuộc phỏng vấn kéo tôi đứng dậy và để có những thứ như hôm nay.
Đó là một buổi sáng Sài Gòn đầy hối hả, một công ty xây dựng vừa thành lập, anh Thương – một người Giám Đốc trẻ tuổi – là người phỏng vấn tôi.
Trò chuyện thật lâu, nhưng có lẽ chính câu nói này đã thay đổi tôi :“Tuổi trẻ, em phải xây dựng cái gì đó cho bản thân mình”.
Đến giờ chắc anh cũng không ngờ chính câu nói ấy đã đưa tôi thành một con người khác, khác xa anh tưởng tượng.
Tôi quyết định nghỉ học, không đi làm nữa mặc dù anh Thương gọi tôi đi làm mấy lần.
Tôi bắt đầu dấn thân vào đời – Tôi đi bán bánh tráng trộn.
Khi tôi đưa ra quyết định thì tất cả đều bất ngờ, Ba Mẹ, anh chị đều ngăn cản và ngờ vực vì khi đó cái tôi của tôi khá cao, không ai nghĩ tôi sẽ đạp xe đi bán dạo ngoài đường.
Nhưng tôi đã làm được, tôi đã chiến thắng bản thân và chiến thắng tất cả sự ngờ vực của mọi người. Tôi xem đó như là lần đầu kinh doanh của mình, tôi đạp xe đi khắp nơi của Sài Gòn từ Đầm Sen, Bến Thành, An Sương, Vĩnh Lộc đến Quận 9… và sau một tháng thì tôi phải dừng công việc này lại vì bán không được.
Tôi đã thất bại với phi vụ đầu đời, mọi sự thất vọng, áp lực đè nặng lên tâm trí tôi. Khi đó tôi biết mình đang đói, đói thật sự với những gói mì tôm cầm hơi, những giấc ngủ để qua bữa ăn và tôi chịu đựng tất cả một mình với sự giấu giếm gia đình, vì tôi sợ Ba Mẹ buồn.
Mất mười ngày để tôi vực dậy tinh thần, tôi lao vào kiếm việc và cũng tìm được một công việc chân tay. Tôi đi làm công trình với ông anh chủ trọ, tôi đi đục vách tường, đi kéo dây điện, bắt bóng đèn, đi vác thạch cao… tôi trân trọng những ngày tháng đó, những tháng ngày cho tôi thấy nghèo đói nó như thế nào, khi trong túi không tiền thì cuộc sống sẽ ra sao, làm cách nào để vượt qua khó khăn. Và tôi không cho phép mình nghèo.
Trong những nghịch cảnh cuộc đời luôn chứa rất nhiều bài học hay, giúp chúng ta trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Sau thời gian tôi chuyển qua làm phát tờ rơi, làm sales cho công ty Gas ở Thủ Đức.
Và ở đây tôi học cách tiếp xúc, giao tiếp với khách hàng.
Hàng ngày tôi phải lội bộ ít nhất 50 km để mang tờ rơi phát từng nhà, từng dãy trọ ở khắp Thành Phố Hồ Chí Minh vì thế nhiều lần tôi đối mặt với thách thức, khó khăn.
Những lời từ chối, những cái nhăn mặt, cái xua tay của khách hàng hay những lần giáp mặt với Công an vì tội phát tờ rơi bất hợp pháp. Khói bụi và cái nắng của Sài Gòn làm con người tôi trở nên vững chãi và mạnh mẽ hơn khá nhiều, cũng trong lúc này điều may mắn nhất cuộc đời tôi cũng đã xuất hiện.
Đó là lần tình cờ tôi đọc một đoạn sách Cha Giàu Cha Nghèo của Robert Kiyoski, tôi như người vớ được báu vật. Vì khi đó không có tiền mua sách nên tôi tải hết tất cả những gì tìm được trên mạng về cuốn sách đó để in ra đọc. Tôi chắc chắn đó là cuốn sách hay nhất và ý nghĩa nhất đối với cuộc đời mình, sau này có tiền tôi đã mua nguyên bộ mười ba cuốn để tỏ lòng cảm ơn người thầy Robert Kiyoski.
Thời gian thấm thoát qua đi, ăn tết 2015 từ quê vào lại Sài Gòn thì tôi chuyển về làm nhân viên văn phòng cho người anh của mình.
Tôi gắn bó với công việc này được đúng ba tháng, lúc này tôi mới biết được rằng bản thân mình không hề thích hợp một chút xíu nào với công việc văn phòng, tôi không thích sự gò bó, sự lặp đi lặp lại hàng ngày. Tôi không muốn biến mình thành một cỗ máy được lập trình sẵn.
Tôi đưa ra một quyết định, quyết định đó đưa tôi thành Trần Văn Đạt bây giờ.
Ngày nghe tôi thông báo tôi sẽ nghỉ việc và về quê thì anh họ, Ba Mẹ, chị em ai cũng ra sức khuyên ngăn, đặc biệt Mẹ tôi khóc mấy ngày liên tiếp. Và trong tâm thức của mọi người nghĩ rằng “ Nó sẽ thất bại và phải vào lại Sài Gòn thôi”.
Ngày tôi ra bến xe, Mẹ tôi khóc rất nhiều chỉ vì lo tôi sẽ đói khi mà không có việc, Ba Mẹ thì làm ăn trong Sài Gòn.
Vâng, để lại tất cả mọi thứ nơi này, để lại cái bằng Đại học, để lại những giọt nước mắt của Mẹ, để lại người tôi yêu. Tôi lên xe và về quê với hành trang là một ba lô đồ và một triệu hai trăm ngàn đồng trong ví cùng một sự khát khao cực lớn để khẳng định bản thân khi đã đưa ra quyết định này.
Ngày tôi đặt chân về quê cũng là lúc tôi nhận ra mình chẳng có gì, không người thân bên cạnh, không một mối quan hệ xã hội, không tiền trong túi, không bằng cấp, không có việc làm… một con số không thật lớn bao trọn cuộc đời thằng con trai hai mươi bốn tuổi.
Tôi bắt đầu lao vào đi tìm việc, lục hết các web tuyển nhân sự và tôi thấy ở Huế có công ty bia tuyển sales, tôi nộp đơn và ra Huế phỏng vấn.
Mọi thứ như sụp đổ khi đó là một công ty đa cấp, nói chuyện toàn tiền tỷ nhưng lại ăn chung, ngủ chung dưới sàn nhà cả mười mấy người.
Tôi lại lên xe về Quảng Ngãi, lại hành trình đi tìm việc làm. Những ngày tháng này thật sự kinh khủng và quá áp lực với tôi.
Nhưng chính lúc này cuộc đời mang tôi đến với Ngành Đồng Phục Học Sinh.
Ngày tôi đi phỏng vấn công ty đồng phục ở Bình Sơn cách nhà 50 km thì được tuyển dụng.
Những viên gạch đầu tiên đặt nền móng bắt đầu từ đây, tôi lao vào công việc, chạy khắp nơi Quảng Ngãi để chào hàng, cứ hễ thấy trường học là tôi lại vào, mọi thứ tôi vừa làm vừa học. Những tháng ngày ròng rã ngoài đường cuối cùng cũng mang lại cho tôi những đơn hàng đầu tiên.
Thật sự khi đó tôi quá hạnh phúc, tự bản thân mày mò với năm bộ đồ mẫu mà công ty giao cho, không một danh bạ khách hàng, không một sự chỉ dẫn của công ty mà cuối cùng tôi cũng tìm về những hợp đồng đầu đời.
Nhưng cuộc sống lại tréo ngoe, những gì tôi mang lại cho công ty nhưng chỉ nhận được ba triệu đồng tiền lương cho hai tháng làm việc. Tôi không biết đó là may mắn hay là bản thân kém may khi đi làm gặp công ty như vậy.
Tôi lại đưa ra một quyết định lớn.
Tôi nghỉ làm cho công ty, tôi tự ký hợp đồng và tự đi tìm xưởng để làm. Có lẽ tôi rất may mắn vì khi đó tất cả khách hàng của mình sau khi nghe tôi chia sẽ thật câu chuyện của mình thì đều đồng ý giúp tôi để hoàn thành những hợp đồng ấy.
Và từ đó, tôi vào con đường làm chủ khi hai mươi lăm tuổi. Mọi thứ đều suôn sẻ cho đến một năm sau tôi lại nhận thêm một thất bại.
Tôi đầu tư hơn bốn mươi triệu để kinh doanh hàng sơ mi và áo thun nam thời trang với thương hiệu RESSA, với kinh niệm còn quá non nên tôi đã đốt sạch sẽ số tiền ấy, may mắn là tôi không vay nợ nên cũng không phải quá áp lực, mà cũng vì tâm lý không nợ ai nên mới nhận phải thất bại ấy.
Có một bí mật mà chắc ít người biết, tôi đã từng thành lập công ty với tên Chiến Đạt với mục đích kinh doanh giao đồ ăn cho cơ quan, trường học. Và Chiến Đạt tồn tại được ba tháng thì giải thể, tôi lại đốt một khoản tiền ở giai đoạn này để mua một mớ bài học.
Những tháng ngày tiếp theo tôi vẫn tiếp tục với công việc chính là may đồ cho trường học, trong năm năm trải qua những lần ngụp lặn trong ngành đồng phục, qua những chia sẻ khó khăn trong việc lựa chọn một mẫu áo đồng phục sao cho đẹp, sao cho thoải mái… của khách hàng. Từ sự thấu hiểu những khó khăn ấy và muốn giúp khách hàng có một chiếc áo đồng phục đẹp, mặc thoải mái thì tôi đã thành lập SRN.
SRN là một công ty, một thương hiệu đồng phục và đặc biệt hơn nó là đứa con mà tôi đã giành rất nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng.
SRN phát triển với châm ngôn: “ Không hứa, chỉ làm!”.
Với niềm đam mê những chiếc áo của SRN thì hành trình phía trước còn rất dài và không thiếu những chông gai, thử thách nhưng tôi tin mình có thể vượt qua tất cả để mang đến những giá trị tốt nhất cho bản thân, gia đình, khách hàng và xã hội.
Đó là câu chuyện của cuộc đời tôi, với sự chân thành và thẳng thắng nhất tôi mong bạn sẽ hiểu rõ hơn về tôi và mong rằng mối quan hệ của chúng ta ngày còn gắn bó hơn.
Tôi cảm ơn bạn đã đọc!
Trần Văn Đạt